'Bí kíp' kết nối với thai nhi

Cập nhật: 16/05/2013 02:51 - Lượt xem: 1928

Thật tuyệt vời nếu các thành viên trong gia đình cùng nhau trò chuyện với thai nhi.

Kết nối thai nhi với thành viên trong gia đình

Rất nhiều bậc cha mẹ hiện nay thường có xu hướng giao tiếp, nói chuyện với bé từ trong bụng mẹ. Mặc dù nghe có vẻ hơi xa vời, nhưng có nhiều nghiên cứu kết luận rằng bào thai phản ứng tích cực với âm thanh từ thế giới bên ngoài.

Bằng chứng khoa học đã chứng tỏ cách tốt nhất để tạo mối quan hệ giữa người thân trong gia đình, đặc biệt là bố mẹ với thai nhi là thông qua giao tiếp. Hành động nói chuyện với con từ trong bụng mẹ có thể giúp người mẹ thiết lập mối gắn kết với bé ngay cả trước khi bé chào đời. Đồng thời cũng giúp bé thiết lập một liên kết  ngược lại với mẹ.

Khi bé đạp, bố mẹ có thể nói chuyện với bé, bé sẽ thích thú lắm đấy! (ảnh minh họa)
Chị Quỳnh Anh (Hà Đông, Hà Nội) đang mang thai một nàng công chúa đầu lòng ở tháng thứ bảy. Hàng ngày chị vẫn thường dành thời gian ngồi trò chuyện, cảm nhận những chuyển động của con."Mình bắt đầu học cách nói chuyện với bé yêu trong bụng từ khi con 20 tuần. Trò chuyện, tâm sự với con giúp mình hạnh phúc, thoải mái, gắn bó hơn với con ngay từ khi bé chưa chào đời. Thi thoảng mình hát cho con nghe trước khi đi ngủ. Mình nghĩ nếu bé nghe cùng một bài hát từ trước khi chào đời thì sau này, bé sẽ sớm nhận ra giai điệu cũng như giọng mẹ hơn. Và điều này giống như một sự kết nối tình cảm giữa hai mẹ con trong tương lai", chị Quỳnh Anh chia sẻ.

Chị Thủy (tập thể Định Công, Hà Nội) thì lại có giây phút trải nghiệm gắn kết thú vị với em bé trong bụng của mình theo cách khác. Chị hào hứng tâm sự: "Ban đầu, chồng mình không quan tâm lắm tới cái bụng bầu của vợ đâu. Nhưng khi tìm hiểu qua sách báo, internet, anh ấy đã biết rằng em bé chưa chào đời vẫn sẽ có thể nghe được giọng cha mẹ nên anh ấy rất thích nói chuyện với con. Mỗi lần thấy con đá, mình lại kéo tay chồng đặt lên bụng bầu để anh ấy cũng cảm nhận được sự chuyển động của con yêu”.

Nếu người cha dành nhiều thời gian để "trò chuyện" với bé trước khi bé chào đời, bé cũng sẽ nhận ra và phản ứng nhiều hơn với giọng nói của người cha.


Ngay từ trong bụng, thai nhi đã có phản ứng tích cực với
âm thanh bên ngoài. (ảnh minh họa)
Anh Hoàng (Hai Bà Trưng, Hà Nội) bắt đầu học guitar khi biết tin vợ có thai. Niềm vui hàng ngày của anh là dành khoảng 15 phút trước giờ ngủ, ngồi cạnh vợ vừa chơi đàn vừa hát để em bé "cảm thụ âm thanh cuộc sống". Kỳ lạ là em bé thường đá, đạp nhẹ sau khoảng 5 phút nghe thấy nhạc và thi thoảng "hưởng ứng" theo tiếng đàn của bố, bé lại tiếp tục "tung" thêm một cú đá "điệu nghệ" nữa. Vợ chồng anh Hoàng cảm thấy rất thích thú và vui sướng vì em bé trong bụng đã có phản ứng tương tác với cha mẹ.

Tuy nhiên, điều làm anh chị thấy hạnh phúc hơn nữa đó là việc giao tiếp với con còn là cách tuyệt vời kết nối anh chị của bé với em bé trong bụng mẹ. "Cậu lớn mới học lớp 3 nhưng mỗi sáng trước khi đi học đều âu yếm đặt tay lên bụng mẹ rồi mỉm cười nói: "Chào em gái của anh, anh đi học đây, em ở nhà với mẹ ngoan nhé". Dường như đối với cả gia đình thì tuy bé chưa chào đời nhưng đã là một thành viên trong đó rồi”, vợ anh Hoàng vui vẻ.

Cách giúp bố mẹ "bắt sóng" với thai nhi

Tuần thứ 16, thai nhi trong bụng mẹ đã bắt đầu có phản ứng, kết nối với những âm thanh bên ngoài. Thông qua những bước sóng âm thanh, những xung truyền của cảm xúc sẽ kích thích lên não bộ, giúp bé cảm nhận được tình cảm mà bố mẹ và những người thân yêu dành cho mình và bé biết rằng mình đang được yêu thương.

Bố mẹ đừng quên nghĩ về bé, trò chuyện với bé mỗi ngày. (ảnh minh họa)
Bố mẹ có thể có những cách giao tiếp khác nhau với thai nhi trong bụng người mẹ như:

* Đặt tay, chạm nhẹ nhàng lên bụng và từ từ trò chuyện với bé.
Dành nhiều thời gian để "trò chuyện" với bé trước khi bé chào đời, bé cũng sẽ nhận ra và phản ứng nhiều hơn với giọng nói của bố mẹ, anh chị em trong gia đình đó
Dù biết rằng bé có thể lắng nghe được âm thanh nhưng nhiều bố mẹ vẫn thắc mắc rằng không biết bắt đầu giao tiếp với thai nhi như thế nào. Mách nhỏ với cha mẹ là nên nói chuyện với bé từ chính tình cảm chân thành và sâu thẳm trong trái tim.

Có thể bắt đầu câu chuyện bằng những vấn đề bạn gặp phải trong ngày hôm nay hoặc những câu chuyện đùa của bố mẹ, mọi người trong gia đình có liên quan đến bé. Ví dụ như đồ đạc, chiếc áo, đôi giày, cái mũ, cái nôi... mà bố mẹ mới mua cho bé. Thời gian lý tưởng để trò chuyện với bé là vào buổi tối khi có sự góp mặt đầy đủ của cả hai bố mẹ. Khi bố mẹ nói thư thả, nhẹ nhàng lặp đi lặp lại 1 vần điệu cho em bé nghe, hãy để ý xem bé có phản ứng không nhé!

* Trò chuyện với bé thông qua âm nhạc.
Bố mẹ có thể đặt tai nghe lên trên bụng của mình và cho bé nghe một số bản nhạc có âm điệu nhẹ nhàng, sâu lắng như các bản nhạc cổ điển, giao hưởng, đặc biệt là các bản nhạc vui tươi về tuổi thơ. Những bản nhạc này giúp bé được thư giãn hơn.
Ngoài ra, bố mẹ hãy dành một chú thời gian mỗi ngày để hát cho bé nghe. Đó có thể là bài hát ru hay điệu hò, ca dao du dương nào đó. Như vậy bố mẹ đã nuôi dưỡng tâm hồn bé bằng âm nhạc ngay cả khi bé chưa chào đời rồi!

* Đọc sách, kể chuyện cho bé.
Nếu như nói chuyện khiến nhiều bố mẹ cảm thấy ngượng nghịu thì có một cách khác mà bố mẹ có thể áp dụng đó là đọc những câu chuyện cổ tích, truyện thiếu nhi, điều này sẽ làm em bé trong bụng rất thích thú đấy!
Hiểu được khả năng lắng nghe, cảm nhận của thai nhi, bố mẹ cũng như người thân trong gia đình nên dành thời gian trò chuyện mỗi ngày để tạo mối liên kết tình cảm gần gũi với bé yêu ngay từ khi còn trong bụng mẹ!
Thu Hà

Ý kiến bạn đọcGửi bình luận

Gửi bình luận

reset captcha

Gửi bình luậnNhập lại