Cách nào cho bé tự ăn?

Cập nhật: 11/07/2013 07:57 - Lượt xem: 999

Nhiều bậc phụ huynh rất “sợ” cảnh sau một ngày làm việc căng thẳng, buổi chiều đi làm về còn phải đánh vật với việc cho cục cưng ăn và ngày cuối tuần thì cả nhà như là chiến trường, suốt ngày loay hoay với 3 bữa ăn của bé. Phải chạy theo đút cho bé ăn, phải bế bé đi vòng vòng, hay ngồi trên bàn cũng phải đút cho bé từng miếng…

Nhưng khi tôi hỏi: Sao bố mẹ không để bé tự ăn? Đa phần bố mẹ sẽ bảo: Làm sao bé tự ăn được? Bé không tự ăn được? Bé không tự xúc ăn đâu, phải hò hét, la mắng, rồi đè đút thức ăn vào bé còn ngậm hay phun ra nữa.. Tôi lại hỏi tiếp: Thế anh chị định đút cho bé đến bao giờ? Không ai trả lời được. Riêng tôi đã chứng kiến có những bé vẫn được mẹ đút ăn khi đã là… học sinh lớp 10 – chuyện thật 100%, không đùa tí nào. Giải thích lý do, mẹ bé bảo nếu không đút bé sẽ ăn rất ít, lấy sức đâu mà học. Tôi đành “bó tay.com”, nghĩ thầm chắc phải đút đến lúc bé… lấy chồng.

Cần tập cho bé tự ăn ở tuổi nào?

Ngay khi tròn 6 tháng tuổi, các bé đã rất thích cầm nắm mọi vật và đưa vào miệng, nhưng lúc này bé ngồi chưa vững, nên thường được cho ăn trong tư thế nửa nằm, nửa ngồi, nên chưa tự ăn được. Khi 8 – 9 tháng, bé ngồi vững là có thể tập tự cầm muỗng xúc ăn.

Trong thời gian đầu tập cho bé tự ăn, bố mẹ nên kiên nhẫn (Ảnh minh họa).

Cách nào cho bé tự ăn?

Khi bé ngồi vững, bố mẹ nên cho bé ngồi vào bàn ăn, cho con một chút bột, cháo và muỗng nhỏ để bé tự xúc. Chắc chắn bé chưa tự xúc được, nhưng khi bé có động tác xúc hay đưa muỗng vào miệng, dù đổ ra ngoài, thì bố mẹ ngay lập tức đút cho con thìa cháo khác từ tô của mình và phải vỗ tay hoan hô, khen bé ngay, như vậy sẽ củng cố sự tự tin cho bé. Cứ như vậy, con đút ra ngoài thì mẹ đút thế cho bé. Sau một thời gian bé sẽ khéo léo dần và tự đút được, bố mẹ đừng suốt ruột mà nghĩ thôi mình đút cho xong chứ dọn cũng quá tội. Trong thời gian đầu, bé sẽ bị dơ, mặt mày nhem nhuốc, đồ ăn đổ vương vãi thì các ông bố bà mẹ phải kiên nhẫn, tuyệt đối không la mắng. Như vậy mình chỉ chịu cực dọn dẹp vài tháng để tập cho bé ăn nhưng sẽ đỡ vất vả những năm sau này vì không những bé có thể tự ăn mà còn có thói quen ăn uống và tự lập tốt.

Có một điều chắc bố mẹ không biết, con người cảm thấy thèm ăn khi đói, khi thấy màu sắc và mùi vị thức ăn hấp dẫn, khi thức ăn được nhai trong miệng sẽ được trộn với ít men trong nước bọt và thức ăn được nghiền nát, khi xuống tới dạ dày sẽ giúp dạ dày đỡ phải làm việc vất vả để nhào trộn thức ăn, sẽ giúp dễ tiêu hóa và hấp thu hơn. Còn khi bé bị ép ăn hay không tự ăn, khi ăn mà mắt dán vào tivi, vào đồ chơi, bố mẹ đút thì nuốt… bé sẽ khó tiêu hóa hơn. Bố mẹ cũng đừng bắt bé ăn trước vì bé phải ăn một mình, nên cho bé ngồi ăn chung với gia đình, bé thấy cả nhà cùng ăn sẽ hào hứng, bắt chước người lớn.

Ngoài ra, các bé lớn hơn sẽ mải chơi, bố mẹ nên dẫn bé đi siêu thị, cho bé tự chọn mua nhiều tô muỗng có những hình thù con thú khác nhau, mỗi bữa sẽ múc cháo từng tí một sát đáy tô, khuyến khích bé xúc cháo, khi bé xúc một muỗng sẽ lôi ra một bộ phận của con thú, như tai con thỏ, múc thêm muỗng nữa sẽ thấy mắt, thấy đuôi… như vậy bé sẽ hứng thú xúc ăn để thấy hết con thú, lúc này ba mẹ khen bé giỏi và nói đại loại như: em thỏ cảm ơn anh Bi đã cứu em khỏi tô cháo… rồi tiếp tục múc tô khác cho bé “cứu” các em tiếp…
Với những bé khó ăn, bố mẹ cần hiểu, trẻ con ăn bằng cả 5 giác quan: mắt nhìn màu sắc của thức ăn, mũi ngửi mùi thơm, lưỡi liếm thức ăn, tai nghe những lời khen thức ăn ngon và khen bé ăn giỏi, cuối cùng là sự tiếp xúc với thức ăn bằng tay bốc hay tự xúc thức ăn. Tất cả những điều trên thỏa mãn bản tính thích khám phá của bé làm cho bữa ăn được thoải mái, khiến bé luôn thích thú với bữa ăn.
(Theo Cha mẹ & Con)

Ý kiến bạn đọcGửi bình luận

Gửi bình luận

reset captcha

Gửi bình luậnNhập lại